VNC HOLDING

Bật mí cách để có được cuộc sống gia đình hạnh phúc

Thứ Sáu, 11/10/2024
vncholding

Chuyên gia Coaching NLP Nguyễn Xuân Hương - Bật mí cách để có được cuộc sống gia đình hạnh phúc

Báo cáo 2023 của Tổ chức Y tế thế giới WHO vừa công bố phản ánh, rối loạn lo âu, trầm cảm, suy giảm sức khỏe tinh thần của con người đang nổi lên trở thành vấn đề đáng quan tâm. Trong bối cảnh này, vấn đề sức khỏe tinh thần của người Việt hiện nay cũng không phải ngoại lệ... Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chuyên gia Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) Nguyễn Xuân Hương để thêm góc nhìn và giải pháp.

PV: Xin chào chuyên gia Nguyễn Xuân Hương, được biết ông không chỉ là một nhà đào tạo NLP – Lập trình ngôn ngữ tư duy mà còn là một chuyên gia chữa lành hạnh phúc gia đình. Vậy theo ông, một gia đình hạnh phúc được xét trên những yếu tố như nào ạ?

Theo quan điểm cá nhân tôi với tư cách một nhà đào tạo về lập trình tư duy, một gia đình hạnh phúc là gia đình mà trong đó đời sống của các thành viên có sự thoải mái về tinh thần, hạnh phúc trong mối quan hệ và có sự tự do trong việc thể hiện và thực hiện nhu cầu cá nhân. Để có được điều đó thì tự mỗi thành viên trong gia đình phải có sự thấu hiểu, yêu thương, quan tâm và biết cách ứng xử tạo ra cảm xúc tích cực, vui vẻ trong mọi khía cạnh cuộc sống. Trong đó vai trò của người bố, mẹ là then chốt nhất bởi họ là những người điều hướng toàn bộ các hoạt động đời sống của gia đình.

PV: Thực tế cho thấy chưa nhiều gia đình thực sự có được sự vui vẻ và hạnh phúc. Nhiều người trẻ hiện nay còn cho rằng gia đình hiện nay thay vì là nơi ấm áp, là chỗ dựa tinh thần để trở về thì lại là một không gian bức bối, ngột ngạt, áp lực. Theo ông vấn đề này có nguyên nhân từ đâu?

Theo tôi, có ba nguyên nhân gây ra hiện tượng gia đình trở thành không gian bức bối, ngột ngạt, áp lực.

Nguyên nhân thứ nhất là bố, mẹ đã không có hiểu biết về nhu cầu của con trẻ để ngay từ khi sinh ra những đứa trẻ trong gia đình thì biết cách nuôi dạy, gieo ươm những hạt mầm tốt. Cụ thể là khi một đứa trẻ sinh ra nó có 13 nhu cầu để hình thành những phẩm chất cho sự trưởng thành như nhu cầu hình thành cảm xúc, niềm tin, sự sáng tạo, ý thức trách nhiệm, tình yêu thương, sự quan tâm giữa con người với con người. Nếu những ông bố, bà mẹ không biết những điều này sẽ vuột mất cơ hội giúp những đứa trẻ của gia đình có những phẩm chất tích cực và thay vào đó là gieo vào những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực.

Nguyên nhân thứ hai là bố, mẹ đã không là người làm gương cho con cái về mọi mặt trong gia đình từ suy nghĩ, thái độ, lời nói, hành vi ứng xử với nhau. Bởi trẻ em có hai giai đoạn quan trọng nhất để hình thành giá trị, năng lực, tính cách, thói quen, cảm xúc… Giai đoạn thứ nhất từ 0 đến 7 tuổi là giai đoạn đóng dấu, giai đoạn này đứa trẻ học một cách vô thức những gì diễn ra xung quanh thông qua nhìn, nghe, trải nghiệm và tích lũy trở thành nền tảng đầu tiên của tính cách, tư duy, hành vi. Giai đoạn thứ hai từ 7 đến 14 tuổi là giai đoạn trẻ bắt chước những hoạt động của mọi người xung quanh, đặc biệt là bắt chước bố mẹ từ cách suy nghĩ, thái độ, ngôn từ, thói quen, cách ứng xử với mọi việc. Nếu giai đoạn này, bố mẹ có suy nghĩ, tác phong, ứng xử chuẩn mực, gương mẫu thì đứa trẻ cũng sẽ bắt chước được như vậy để sau này trưởng thành có phẩm chất tốt. Nếu bố mẹ dễ dãi thả nổi, đứa trẻ sẽ bắt chước tất cả những gì chúng nhìn, nghe và trải nghiệm xung quanh và khi trưởng thành bộc lộ đúng như vậy.

Nguyên nhân thứ ba là các thành viên trong gia đình đã chưa hiểu để tôn trọng mô hình thế giới quan của các thành viên. Ở trên chúng ta đã nói về 2 giai đoạn đầu hình thành giá trị của đứa trẻ, sau đó mỗi đứa trẻ tiếp tục bước vào giai đoạn từ 14 đến 21 tuổi, đây gọi là giai đoạn hòa nhập xã hội, mỗi đứa trẻ hòa nhập vào môi trường sống rộng lớn hơn, đi học đại học, học trường nghề… chúng sẽ chọn lọc những gì phù hợp ở môi trường để tích lũy thêm vào tư duy, năng lực, cảm xúc, tính cách, thói quen, hành vi… Rồi tiếp đến giai đoạn từ 21 đến 35 tuổi là độ tuổi trưởng thành, được tự do thể hiện tất cả tư duy, tính cách, khả năng, thái độ, cảm xúc, thói quen của mình ra ngoài để kiến tạo cuộc sống. Những người trưởng thành bắt đầu lập gia đình và vòng lặp nêu trên lại tiếp tục. Nếu đứa trẻ được nuôi dạy trong một gia đình mà bố mẹ có tư duy tích cực, yêu thương, quan tâm, trách nhiệm, sáng tạo… thì lớn lên đứa trẻ cũng sẽ xây dựng gia đình mình theo mô thức như vậy. Ở khía cạnh khác, nếu đứa trẻ nuôi dạy trong gia đình có nhiều áp lực, tổn thương, tiêu cực… thì trưởng thành mô thức này cũng sẽ lặp lại vào cuộc sống khi lập gia đình.

PV: Vậy theo ông nếu một gia đình đã ở trạng thái áp lực, bức bối thì giải pháp nào có thể giúp các gia đình nói chung và thành viên trong gia đình nói riêng giải quyết được vấn đề?

Giải pháp là bất cứ ai muốn có một gia đình hạnh phúc đều phải hiểu rõ về bốn giai đoạn hình thành giá trị của mỗi con người nêu trên. Thông qua sự hiểu biết này mỗi người mới hiểu mình, hiểu người và có cách ứng xử phù hợp, hài hòa do thấu hiểu được quá trình hình thành giá trị, niềm tin, tính cách, thói quen, hành vi, thái độ… mà không áp đặt, xúc phạm vào các giá trị của người khác. Thấu hiểu giá trị của mỗi thành viên gia đình, mỗi người sẽ biết cách giao tiếp hòa hợp, vui vẻ, sáng tạo với nhau thì cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cháu ngoan, lễ phép, chăm chỉ học tập, làm việc, thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau... Khi một gia đình hạnh phúc sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa gia đình với họ hàng và cộng đồng tạo nên xã hội hạnh phúc.

Ở chiều ngược lại, nếu các thành viên không hiểu được điều này, đặc biệt là bố, mẹ sẽ tự cho mình quyền áp đặt quan điểm, kỳ vọng cá nhân mình lên con cái sẽ tạo ra phản kháng, xung đột, mất kết nối và cuối cùng có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc, mối quan hệ. Khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ sẽ khiến các thành viên trong gia đình bị tổn thương và có các phản ứng khác nhau, đa phần là tiêu cực với bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Điều này lại khiến cho vấn đề sức khỏe tinh thần như phản ánh của WHO thêm nan giải. 

PV: Như trên ông đề cập, bố mẹ là hai thành viên quan trọng nhất để kiến tạo gia đình hạnh phúc, nhưng lại đang mâu thuẫn không thể giải quyết thì khoa học NLP có cách nào hóa giải được tình trạng này?

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ mâu thuẫn vợ chồng xảy ra do đâu? Khoa học NLP chỉ ra là do mâu thuẫn về giá trị của mỗi người. Giá trị là gì? Vẫn theo nghiên cứu của NLP cho biết, giá trị đó là tiêu chí, là điều quan trọng nhất của mỗi con người. Trong bối cảnh bình thường thì giá trị chưa nổi lên nhưng trong những hoàn cảnh quan trọng thì nó sẽ nổi lên chi phối hành động con người. Chính vì hệ giá trị khác nhau này mới dẫn đến các hiện tượng bất đồng, tranh chấp, mất kết nối, bất hợp tác.

Giá trị của con người được hình thành từ đâu? Giá trị của con người được hình thành từ bốn giai đoạn (0-7 đóng dấu; 7 – 14 bắt chước; 14-21 hòa nhập; 21-35 thể hiện). Cho nên vợ hay chồng nếu không hiểu thấu giá trị của mỗi người thì người nào mạnh trong gia đình sẽ áp đặt hệ giá trị của mình lên hệ giá trị của người kia trong mọi khía cạnh cuộc sống gia đình, từ kinh doanh, chọn nhà ở, chọn trường học cho con, ứng xử đối nội, ngoại, chi tiêu… Phía bên kia yếu thế hơn và lại có giá trị riêng nên không đồng thuận, bất bình, thất vọng… vấn đề này từ chuyện nhỏ không được giải quyết sẽ dẫn đến bất bình, thất vọng lớn và xung đột, mâu thuẫn nổ ra khiến hai bên không thể tự hóa giải.

Để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng, khoa học NLP có nhiều kỹ thuật coaching để hóa giải vấn đề từ đơn giản đến phức tạp. Đây là những phương pháp hiệu quả đã được minh chứng của NLP giúp hóa giải tận gốc rễ các bất bình, hiểu lầm, diễn dịch sai của mâu thuẫn vợ chồng. 

Một cách nữa để giúp các cặp vợ chồng nhận ra vấn đề nguy cơ, hậu quả của mâu thuẫn, NLP cũng có một kỹ thuật giúp tạo động lực mạnh mẽ để con người ra quyết định giải quyết vấn đề mà không né tránh, trì hoãn. Đó là trả lời 4 câu hỏi sau đây:

1.   Điều gì sẽ xảy ra nếu mâu thuẫn này tiếp tục?

2.   Điều gì không xảy ra nếu mâu thuẫn này tiếp tục?

3.   Điều gì xảy ra nếu mâu thuẫn này không còn tồn tại?

4.   Điều gì không xảy ra nếu mâu thuẫn này không còn tồn tại?

Trả lời 4 câu hỏi này, người làm trả lời thật khách quan, đầy đủ những chuyện sẽ diễn ra và không diễn ra trong cuộc sống gia đình khi mâu thuẫn còn hay chấm dứt. Sau khi trả lời xong, nhìn vào kết quả tốt đẹp và hệ quả tai hại nếu không giải quyết vấn đề, các cặp vợ chồng mâu thuẫn sẽ có động lực giải quyết ngay vấn đề mà không trì hoãn, né tránh để kéo dài, dai dẳng.

PV: Xin cám ơn những tư vấn vô cùng sâu sắc từ chuyên gia. Vậy theo ông đối với vấn đề mất kết nối giữa con cái và bố mẹ cũng là một thực trạng xảy ra khá phổ biến, chúng ta cần làm gì để có được sự hòa hợp giữa 2 thế hệ cha mẹ & con cái, thưa ông ?

Hãy hình dung mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái tương tự như mối quan hệ giữa cành lá và gốc rễ của một cây cổ thụ. Bố mẹ chính là gốc rễ và con cái chính là phần cành lá. Việc con cái giận dỗi, mất kết nối với bố mẹ giống như việc ta cưa đi phần gốc của cây cổ thụ. Nếu phần gốc bị cưa ngang ngắt kết nối với phần cành lá bên trên thì cành lá làm sao có thể sống, có thể xanh tươi được? Cho nên những ai là con cái đang mâu thuẫn, mất kết nối với bố, mẹ cần phải kết nối lại ngay thì cuộc sống, sự nghiệp mới thuận lợi, phát triển bền vững.

Sự mất kết nối giữa bố mẹ và con cái có thể là do bố, mẹ áp đặt, định hướng không phù hợp với nhu cầu sống, công việc của con cái. Hoặc do sự vô tâm của con cái đối với bố mẹ hoặc ngược lại. Dù lý do gì đi nữa thì việc cần thấu hiểu và kết nối làm cho các mối quan của các thành viên gia đình trở nên tốt đẹp là việc then chốt, là mạch nguồn của hạnh phúc gia đình, hạnh phúc mỗi cá nhân.

Như đã chia sẻ ở trên, tất cả chúng ta cần hiểu sâu sắc các giai đoạn hình thành giá trị của mỗi người, từ những thành viên trong gia đình, đến ngoài xã hội để thấu hiểu và tôn trọng thế giới quan của nhau. Khi tất cả đều thấu hiểu giá trị, tư duy, hành vi, tính cách, nhu cầu của nhau… trong ứng xử, giao tiếp giữa mọi người sẽ không còn những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực về nhau, cách ứng xử đều phù hợp, đúng đắn không còn gây tổn thương, mất kết nối với nhau. Mối liên kết trong một gia đình, cộng đồng hay toàn xã hội sẽ luôn được kết nối tốt đẹp. Điều này sẽ góp phần cải thiện chỉ số hạnh phúc của cá nhân, gia đình cũng như toàn xã hội.

PV: Xin cảm ơn những lời chia sẻ chân thành, thực tế và hữu ích đến từ chuyên gia Nguyễn Xuân Hương.

Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ trên, quý bạn đọc sẽ trang bị được cho bản thân những kỹ năng và tâm lý vững vàng để sẵn sàng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, nếu bạn có vấn đề gì khác cần sự tư vấn thì đừng ngần ngại mà liên hệ ngay đến chuyên gia đào tạo NLP và Coach chữa lành Nguyễn Xuân Hương nhé.

Nguồn báo Văn hóa phát triển: 

https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-gia-coaching-nlp-nguyen-xuan-huong-bat-mi-cach-de-co-duoc-cuoc-song-gia-dinh-hanh-phuc-a23154.html